Ths,BS Hứa Thuý Vi phân tích vì sao phải tầm soát ung thư tiêu hóa từ khi chưa có triệu chứng, nội soi có ưu điểm gì so với phẫu thuật, sau khi nội soi ung thư có tái phát hay không…?
1. Vì sao phải tầm soát ung thư tiêu hóa từ khi chưa có triệu chứng?
Ths,BS Hứa Thuý Vi: Đối với các trường hợp ung thư tiêu hóa, trong giai đoạn ban đầu thường sẽ không hoặc các triệu chứng không điển hình, rất khó phân biệt với các bệnh lành tính khác. Để chẩn đoán bệnh ung thư đường tiêu hóa trong giai đoạn sớm, cần tiến hành tầm soát khi bệnh nhân chưa có các triệu chứng rõ ràng.
Khi có những tình trạng rõ ràng như thiếu máu, sụt cân, xuất huyết ra máu (nôn ra máu, đi cầu ra máu…), sờ khối u trên bụng. Đó là giai đoạn ung thư, chẩn đoán bệnh không khó nhưng điều trị sẽ rất khó, đặc biệt điều trị tận gốc.
2. Nội soi có ưu điểm gì so với phẫu thuật trong điều trị ung thư tiêu hóa?
Ths,BS Hứa Thuý Vi: Khi nói đến ung thư, người bệnh rất lo lắng và nhiều người nghĩ đó là bệnh nan y, giai đoạn cuối của cuộc đời. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học trong đó có y học Việt Nam, nếu chúng ta phát hiện ở giai đoạn sớm, vấn đề điều trị có thể chữa lành và chúng ta có thể can thiệp hoàn toàn qua nội soi.
Nội soi là phương pháp giúp bệnh nhân không phải phẫu thuật, đó là chỉ định rất tốt đối với trường hợp ung thư ống tiêu hóa ở giai đoạn đầu. Nó chỉ ảnh hưởng lên các lớp nông (lớp lót) của ống tiêu hóa. Chính vì vậy, khi cắt bỏ lớp nông nó sẽ không ảnh hưởng đến giải phẫu của cơ thể. Khi tổn thương còn xảy ra ở phần nông, tế bào ung thư chưa di chuyển theo máu và bạch huyết và di căn xa.
Với phương pháp nội soi, mình có thể chữa trị cho bệnh nhân bằng phương pháp tương đối nhẹ nhàng. Có thể nói đây là điểm ưu việt vì phẫu thuật không chỉ nặng nề đối với người già mà còn ở người trẻ. Các nhà phẫu thuật và gây mê rất e ngại tai biến liên quan đến tim mạch và hô hấp, do đó điều trị sớm bằng phương pháp nội soi là phương pháp tương đối tốt và nhẹ nhàng đối với người có tuổi, có bệnh lý phối hợp kèm theo.
3. Nội soi can thiệp ung thư giai đoạn sớm tiến hành trong bao lâu, có tái phát không?
Ths,BS Hứa Thuý Vi: Đối với bệnh nhân được phát hiện sớm và can thiệp bằng nội soi không cần phẫu thuật, cảm giác sẽ ít đau và thời gian nằm viện rất ngắn, chỉ từ 3-5 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện và ra về. Phần phía sau chỉ là điều trị nội khoa.
Vấn đề theo dõi lâu dài sẽ có lưu ý liên quan đến một số trường hợp tái phát tại chỗ hoặc ung thư không phải là ung thư đã được cắt đi nhưng trên cơ địa dễ bị ung thư thì bệnh nhân có thể có tổn thương, tùy trường hợp cụ thể bác sĩ có những khuyến cáo dặn dò bệnh nhân tuân thủ theo liệu trình để tránh tình trạng tái phát cũng như ngừa được bệnh.
4. Bệnh nhân cần làm gì để phòng bệnh ung thư, phòng ngừa tái phát:
Ths,BS Hứa Thuý Vi:
- Hạn chế dùng thực phẩm có chứa aflatoxin, nitrosamine (trong thực phẩm ướp muối, lên men, hun khói), nấm mốc và các chất độc hại khác.
- Không dùng thực phẩm nghi ngờ hay bảo quản quá lâu ngày.
- Nên dùng rau quả, thực phẩm có nhiều chất xơ, selen, vitamin A, C, có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa: trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, các loại rau xanh, cà tím…
- Thận trọng khi dùng các sản phẩm nhựa để đựng, che phủ thức ăn, đặc biệt là dùng sản phẩm nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.
- Hạn chế tối thiểu thuốc lá và rượu.
- Thận trọng với tất cả cơn đau về tiêu hóa, không tự ý dùng thuốc khi bị bệnh tiêu hóa.
- Khám sức khỏe tổng quát thường xuyên ít nhất từ 6 tháng – 1 năm để phát hiện điều trị sớm các bệnh lý về tiêu hóa và ung thư.